Ñaït ñeán coâng phu thaønh phieán
Töï mình naém chaéc Vaõng Sanh Taây Phöông Cöïc Laïc Theá Giôùi.
KINH HOA NGHIÊM CHỨNG
THỰC PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
LÀ CHỖ QUY HƯỚNG RỐT RÁO
Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
Đức Phật này biểu thị một đời viên mãn, chỉ có Kinh Hoa Nghiêm giảng tường tận, nhất là nó chứng thực pháp môn niệm Phật là chỗ quy hướng rốt ráo, phải nên suy nghĩ sâu xa, hãy nên lấy Thiện Tài làm thầy.
Đây là lấy một bộ Kinh lớn để làm chứng, một đời viên mãn thành Phật thì Thiện Tài Đồng Tử là đại diện, có thể nói Ngài nổi tiếng nhất trong nhà Phật. Thiện Tài Đồng Tử không sanh lần thứ hai, một đời thành tựu, một đời viên mãn, nhất là Kinh Hoa Nghiêm chứng thực pháp môn niệm Phật là chỗ quy hướng rốt ráo, dùng Kinh Hoa Nghiêm để chứng minh.
Kinh Hoa Nghiêm dạy một đời chứng đắc viên mãn rốt ráo như thế nào?
Bằng pháp môn niệm Phật, niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ.
Trong hội Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thiện Tài Đồng Tử sau khi đắc căn bản trí quý vị phải hiểu rõ: Đắc căn bản trí, nhà Thiền gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh là đắc căn bản trí. Sau khi đắc căn bản trí, vị thầy dạy Thiện Tài Đồng Tử ra ngoài tham học.
Tham học nhằm ý gì?
Tham học để thành tựu hậu đắc trí, nhằm thành tựu viên mãn hậu đắc trí. Năm mươi ba lần tham học là vì vậy đó. Vị thiện tri thức tham phỏng đầu tiên rất quan trọng, pháp thế gian hay xuất thế gian đều theo ý nghĩa này, tức là tiên nhập vi chủ pháp nào theo học đầu tiên thì pháp ấy là chánh yếu, vị thầy đầu tiên hết sức quan trọng.
Theo bản Bát Thập Hoa Nghiêm, vị thầy đầu tiên là Tỳ Kheo Đức Vân, bản Tứ Thập Hoa Nghiêm gọi là Tỳ Kheo Cát Tường Vân. Cát Tường Vân và Đức Vân là một người, Cát Tường chính là Đức, Kinh được hai người phiên dịch nên danh hiệu của vị thiện tri thức này được dịch khác nhau, nguyên bản là một.
Tỳ Kheo Cát Tường Vân tu pháp môn nào?
Ngài tu cái pháp nay chúng ta gọi là Ban Châu Tam Muội. Ban Châu Tam Muội là chuyên niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ngài tu pháp môn ấy, Thiện Tài Đồng Tử đến tham học với Ngài, hướng về Ngài thỉnh giáo, Ngài bèn vì Thiện Tài giảng hai mươi mốt pháp môn niệm Phật.
Hai mươi mốt không phải là con số, chúng ta phải hiểu hai mươi mốt theo ý nghĩa biểu thị pháp trong Mật Tông, hai mươi mốt tượng trưng cho viên mãn. Hoa Nghiêm là căn bản của toàn bộ Phật Pháp, nhà Phật gọi là căn bản pháp luân. Nói theo thuật ngữ của người hiện thời thì gọi là Phật Học khái luận.
Hết thảy những pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong bốn mươi chín năm chẳng ra ngoài Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm bao gồm toàn bộ căn bản Phật Pháp, bởi thế, nó được gọi là pháp luân viên mãn.
Ngài Cát Tường Vân thị hiện pháp môn niệm Phật này chẳng thể nghĩ bàn. Thiện Tài học được pháp này. Chúng ta hãy chú tâm quan sát kỹ, thầy của Ngài là Văn Thù Bồ Tát. Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đều tu pháp môn niệm Phật, Kinh Hoa Nghiêm đã chứng thực rõ ràng như vậy.
Đến vị thiện tri thức cuối cùng là Phổ Hiền Bồ Tát, tức vị thiện tri thức thứ năm mươi ba Tỳ Kheo Cát Tường Vân là vị thứ nhất, Phổ Hiền Bồ Tát là vị thiện tri thức cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dạy Thiện Tài Đồng Tử Mười Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc.
Từ sự kiện toàn bộ quá trình tham học mở đầu dạy pháp môn niệm Phật, tối hậu dẫn về Cực Lạc, chúng ta hoàn toàn hiểu rõ: Thiện Tài Đồng Tử tu pháp môn nào?
Pháp môn niệm Phật. Từ đầu đến cuối đều tu pháp môn niệm Phật. Quý vị thấy trong khi tham phỏng, có thể nói pháp môn nào Ngài cũng tiếp xúc, cũng thông đạt, nhưng tự mình vẫn tu pháp môn niệm Phật, nhất định chẳng bị ảnh hưởng, nhất định chẳng thay đổi. Năm mươi ba lần tham học bao hàm ý nghĩa ấy. Nếu không hiểu điều này thì năm mươi ba lần tham học coi như trắng tay.
***