Ñaït ñeán coâng phu thaønh phieán
Töï mình naém chaéc Vaõng Sanh Taây Phöông Cöïc Laïc Theá Giôùi.

phapmontinhdo.vn

TRANG TỬ TINH HOA - CHƯƠNG BẢY - KHỔNG TỬ VÀ ĐẠO CHÍCH

TRANG TỬ TINH HOA

Biên soạn: Nguyễn Hiến Lê
 

CHƯƠNG BẢY

Khổng Tử VÀ ĐẠO CHÍCH
 

Khổng Tử cùng với Liễu Hạ Quý là bạn. Em của Liễu Hạ Quý là Đạo Chích. Chích có quân đi theo chín ngàn người, hoành hành trong thiên hạ, lấn cướp cả chư hẩu.

Đào nhà, khoét vách, lùa bò ngựa của người, lấy vợ con của người. Tham được thì quên cả thân thích, chẳng thiết gì đến cha mẹ anh em, lại cũng chẳng cúng tế Tổ Tiên.

Nó đi qua đâu, nước lớn phải lo giữ thành, nước nhỏ phải trốn vào lũy: Muôn dân chịu khổ vi nó.

Khổng Tử bảo Liễu Hạ Quý: Làm cha anh người ắt phải bảo dạy được con em mình.

Nếu không bảo dạy được thì còn gì là quý trong chỗ thân tình!

Nay tiên sinh là bậc tài sĩ trong đời, em là Đạo Chích làm hại thiên hạ mà không dạy nổi, vậy Khâu này trộm lấy việc ấy làm xấu hổ thay cho tiên sinh. Khâu xin vì tiên sinh đi khuyên nó.

Liễu Hạ Quý nói: Tiên sinh bảo rằng kẻ làm cha anh người tất phải dạy được con em mình. Nhưng nếu chúng không nghe, thì dù có tài hùng biện như tiên sinh cũng không làm gì được chúng.

Vả chăng, Chích là người lòng như suối đổ, ý như gió lốc, mạnh đủ để cự kẻ địch, biện đủ để che cái quấy. Thuận lòng nó thì nó vui, nghịch ý nó thì nó giận. Nó dùng lời mà nhục người quá dễ dàng, tiên sinh xin đừng đến nó làm chi.

Khổng Tử không nghe, bảo Nhan Hồi đánh xe, Tử Cống ngồi bên phải, cùng đến ra mắt Đạo Chích. Đạo Chích đang nghỉ quân ở phía Nam núi Thái, thái sống gan người mà ăn. Khổng Tử xuống xe, đi lên trước.

Thấy kẻ truyền báo liền nói: Người nước Lỗ, tên là Khổng Khâu, được nghe cao nghĩa của tướng quân, kính lạy hai lạy. Kẻ truyền báo vào thưa.

Đạo Chích nghe nói nổi giận, mắt như sao sáng, tóc dựng ngược bảo: Đó có phải là tên xảo ngụy nước Lỗ tên là Khổng Khâu chăng?

Vì ta bảo hộ với nó: Chính nó là kẻ bày lời khen láo vua Văn vua Vũ, đội mũ cành cây, thắt lưng da bò, nói nhiều, bàn nhảm. Không cày ruộng mà ăn cơm, không dệt vải roà mặc áo. Khua môi múa mỏ, bày đặt thị phi để làm mê hoặc vua chúa trong thiên hạ, khiến cho kẻ sĩ trong thiên hạ chẳng biết trở về gốc rễ. Giả bộ làm chuyện hiếu đễ để cầu được phong hầu phú quý.

Tội của nó to nặng lắm. Hãy về mau đi. Nếu không, ta sẽ lấy gan làm món ăn thêm buổi trưa.

Khổng Tử lại cố xin vào cho được: Khâu may được hân hạnh biết ông quý. Xin cho vào hầu dưới trướng. Kẻ truyền báo vào bẩm lại.

Chính nói: Bảo nó vào đây!

Khổng Tử liền vào, tránh chiếu, lùi lại, lạy Đạo Chích hai lạy.

Đạo Chích giận lắm, ngồi dang hai chân, cầm gươm trợn mắt, tiếng như cọp cái: Khâu lại đây! Nếu lời nói của ngươi, thuận ý ta thì sống, nghịch ý ta thì chết!

Khổng Tử nói: Khâu tôi nghe rằng trong thiên hạ có ba thứ đức: Sinh ra cao lớn, tốt đẹp không hai. Nhỏ, lớn, sang, hèn trông đều phải mến.

Đó là thượng đức! Trí thông suốt Trời đất, rõ được mọi vật. Đó là trung đức. Mạnh khỏe, bạo dạn, tụ hợp được quân binh, đó là hạ đức.

Làm người mà được một trong ba đức ấy cũng đủ để quay mặt về Nam mà xưng Cô!

Nay Tướng quân gồm cả ba đức ấy. Mình cao tám thước hai tấc. Mặt, mắt sáng có hào quang. Môi như thoa son. Răng đều như hến úp.

Còn tiếng nói như hoàng chung! Vậy mà tên là Đạo Chích!

Khâu này, trộm lấy làm xấu hổ cho Tướng quân đó. Nếu Tướng quân có chí nghe tôi, tôi xin phía Nam đi sứ nước Ngô nước Việt, Bắc đi sứ nước Tề nước Lỗ, Đông đi sứ nước Tống nước Vệ, Tây đi sứ nước Tần nước Sở, khiến họ vì tướng quân dựng lên một thành lớn vài trăm dặm.

Lập nên một ấp vài chục vạn nóc nhà, tôn tướng quân làm chư hầu, cùng với thiên hạ đổi mới, bãi binh, thâu nuôi anh em, cùng cúng Tổ Tiên, đó là việc làm của bậc Thánh nhân tài sĩ, mà cũng là lòng mong mỏi của thiên hạ vậy.

Đạo Chích cả giận, nói: Khâu, lại đây! Kẻ có thể lấy lợi mà dỗ được, lấy lời nói mà can ngăn được, đều là những phường ngu lậu mà thôi!

Thân ta nay cao lớn tốt đẹp, ai ai trông thấy cũng ưa mến, đó là cái đức của cha mẹ ta để lại.

Khâu dù không khen ta, riêng ta há lại chẳng biết như thế hay sao?

Vả chăng ta cũng có nghe: Kẻ hay khen ta trước mặt, ắt cũng hay chê ta sau lưng.

Nay đem những thành phố lớn dân đông mà bảo ta, ấy là đem cái lợi để nhử ta, coi ta như hạng người thường!

Sao mà lâu dài được!

Thành dù lớn cũng không lớn hơn thiên hạ, thế nhưng Nghiêu Thuấn có thiên hạ mà con cháu vẫn không có đất cắm dùi!

Thang Vũ làm đến thiên tử mà đời sau lại tuyệt diệt.

Chẳng phải vì có lợi lớn nên mới đến thế hay sao?

Vả chăng ta nghe rằng đời xưa chim muông nhiều, mà nhân dân ít, nên dân ở trên ổ mà tránh chúng.

Ban ngày lượm hột gắm hột dẻ mà ăn, đêm nằm nghỉ trên cây, cho nên gọi họ là dân hữu sào!

Xưa, dân không biết mặc áo quần, mùa hè chứa củi, mùa đông lấy đó mà sưởi, cho nên gọi họ là dân tri sinh. Qua đời vua Thần Nông, nằm thì xúm xít, dậy thì lăng xăng. Dân biết có mẹ mà không biết có cha, cùng sống chung với hươu, nai. Cày mà ăn, dệt mà mặc, không có bụng hại nhau.

Đó là lúc cực thịnh của Chí Đức vậy!

Nhưng, đến vua hoàng đế, không thể gây được Đức đến nơi đến chốn, nên mới cùng Si Vưu đánh nhau ở Trác Lộc, máu chảy hàng trăm dặm.

Nghiêu Thuấn lên ngôi, lập thành quần thần. Thang đuổi chúa mình, Vũ Vương giết Trụ. Từ đó, mạnh hiếp yếu, đông hiếp ít.

Từ Thang Vũ đến giờ đều là bọn người làm loạn cả!

Nay, ngươi tu theo cái đạo của Văn, Vũ. Cầm quyền biện bác trong thiên hạ để mà dạy người đời sau. Mặc áo thêu, thắt đai rộng, dùng lời kiêu kỳ, làm việc dối giả để mê hoặc vua chúa trong đời, mong cầu phú quý.

Không còn hạng trộm lớn nào hơn người nữa, thế sao thiên hạ không gọi ngươi là Đạo Khâu lại gọi ta là Đạo Chích. Ngươi đem lời nói ngọt ngào thuyết Tử Lộ bỏ mũ cao, cởi gươm dài để theo học với ngươi.

Thiên hạ đều bảo: Khổng Khâu hay ngăn được kẻ bạo, cầm được sự lầm lỗi. Rốt cùng, Tử Lộ muốn giết vua nước Vệ, nhưng việc không xong, thân bị làm mắm treo ở cửa Đông nước Vệ. Đó là cách dạy của ngươi chưa đến chốn.

Ngươi còn tự xem mình là Thánh Nhân, tài sĩ nữa chăng?

Thì hai lần bị đuổi ở nước Lỗ, bị quét dấu vết ở nước Vệ, bị cùng khốn ở nước Tề, bị vầy ở Trần, Sái, không còn chỗ để dung thân trong thiên hạ. Người dạy Tử Lộ đến nạn bị làm mắm, thế là ngươi, trên vì mình không xong, dưới vì người cũng không được việc.

Đạo của ngươi vậy thì có gì là đáng quý!

Người mà đời cho là cao, chưa ai bằng hoàng đế, thế mà hoàng đế chưa toàn được đức, nên đã phải đánh giết nhau ở Trác Lộc, máu chảy hàng trăm dặm.

Nghiêu thì bất từ, Thuấn thì bất hiếu, Vũ tánh thiên khô, vua Thang đuổi chúa mình, Võ đánh chúa Trụ, Vân Vương bị giam nơi Dữu Lý.

Sáu người ấy, người đời rất chuộng, nhưng bàn cho kỹ, họ đều vì lợi mà mê hoặc chân tánh, miễn cưỡng làm trái lại với tánh tình của họ.

Sự làm đó thật rất lấy làm xấu hổ lắm!

Kìa những hạng mà người đời gọi là hiền sĩ: Bá Di, Thúc Tề bỏ ngôi vua Cô Trúc, chịu chết đói ở núi Thú Dương, xương thịt chẳng chôn. Bảo Tiểu sữa hạnh, chế đời, ôm cây mà chết.

Thân Đổ Địch can vua không được, ôm đá mà tự trầm. Giới Tử Thôi rất trung, tự cắt thịt đùi để nuôi Văn Công, sau bị Văn Công phụ hắn. Vĩ Sinh hẹn với cô gái dưới cầu, cô gái không lại, nước đến không đi, ôm cột cầu mà thác.

Bốn người ấy không khác nào chó thui, lợn mổ, như kẻ ôm chén đi ăn mày, đều là hạng người lìa danh khinh chết, không nghĩ cái gốc nuôi mạng sống cho lâu dài.

Kẻ mà đời gọi là tôi trung, thì còn ai bằng Vương Tử Tỷ Can và Ngũ Tử Tư... Tử Tư phải chết đắm, Tỷ Can bị moi gan!

Hai người ấy, đời gọi là trung thần mà rốt cuộc bị thiên hạ chê cười!

Từ trên mà xem xuống cho đến Tử Tư, Tỷ Can, phải chăng là hạng người không đáng quý!

Chuyện mà Khâu đem để thuyết phục ta, nếu bảo vệ chuyện ma quỷ thì ta không thể biết, chứ bảo với ta về chuyện người, thì chẳng qua cũng như thế đó mà thôi!

Đó là những điều mà ta đã nghe biết cả rồi!

Nay, ta bảo cho ngươi về cái tình thương của con người: Mắt thì muốn trông màu, tai thì muốn nghe tiếng, miệng thì muốn nếm mùi, chí khí thì muốn cho thỏa mãn. Chỗ mà gọi là thượng thọ của con người là trăm tuổi, trung thọ là tám mươi tuổi, hạ thọ là sáu mươi tuổi.

Trừ ốm đau, chết chóc, lo buồn... trong khoảng đó, được mở miệng mà cười trong một tháng chỉ được bốn năm ngày là cùng!

Trời đất thì không cùng, mà cái chết của con người thì có hẹn. Đem một vật có hận mà gởi vào trong khoảng vô cùng, có khác gì bóng ngựa Kỳ Ký qua khe cửa. Kẻ không thỏa được ý chí của mình, nuôi được lâu dài cái mạng của mình, đều không phải là kẻ thông hiểu đạo.

Lời mà Khâu đã đem nói với ta đều là những lời mà ta đã bỏ lâu rồi!

Mau chạy về ngay! Đừng nói gì nữa cả! Đạo của ngươi là chuyện điên điên khùng khùng, trá xảo, hư ngụy, không phải có thể toàn được thiên chân, có đầy đủ để mà luận bàn!

Khổng Tử lạy hai lạy, chạy ra cửa, lên xe, cầm cương... Mắt mờ không trông thấy gì... nhan sắc như tro nguội, cúi đầu vịn càng xe, chẳng thở hơi ra được. Về đến ngoài cửa thành phía Đông nước Lỗ, gặp ngay Liễu Hạ Quý.

Quý hỏi: Nay vắng mấy ngày chẳng thấy tiên sinh... Xe ngựa có vẻ đi mới về...

Phải chăng đã đi đến Chích?

Khổng Tử ngửa mặt lên Trời, than rằng: Phải!

Liễu Hạ Quý hỏi: Chích phải chăng đã làm nghịch ý tiên sinh như tôi đã nói trước chăng?

Khổng Tử nói: Phải! Khâu quả là hạng người không bệnh mà tự đem lửa đốt mình. Chạy ngay lại đầu cọp, vuốt râu cọp... suýt lại tránh không khỏi miệng cọp.

Nam Hoa Kinh Tạp Thiên.

***